A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những người xây “lũy thép” trên đường biên Tổ quốc

Bài 2: Đồng hành gian khó gắn bó giúp dân

QPTĐ-Phong tục tập quán, sự khác biệt về văn hóa vùng miền, đó chính là “rào cản lớn nhất trong công tác tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tại địa phương. Cho nên, từ việc nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, đến dân nghe theo, ủng hộ là cả một chặng đường dài đầy gian truân, cực khổ. Nhưng bằng lương tâm, trách nhiệm, truyền thống tốt đẹp “Vì nhân dân quên mình/ Vì nhân dân hy sinh” của Bộ đội Cụ Hồ, cán bộ, chiến sĩ biên phòng tỉnh Điện Biên đã thông qua bằng việc gần dân, bám dân, chia ngọt sẻ bùi với nhân dân, từ đó xây dựng nhiều mô hình, cách làm hay để giúp cho nhân dân các xã biên giới từng bước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, giữ chắc biên cương, bờ cõi.

Tích cực thực hiện “3 bám, 4 cùng”

Ðồn Biên phòng Mường Pồn quản lý địa bàn 2 xã Mường Pồn và Hua Thanh của huyện Ðiện Biên, gồm 21 bản; 39,6km đường biên giới tiếp giáp nước bạn Lào và Trung Quốc, với 15 cột mốc giới quốc gia. Trời chiều biên giới chuyển từ tắt nắng sang tối rất nhanh, chỉ tay về phía những ngọn đồi cao hàng nghìn mét so với mực nước biển, sừng sững chạy dọc theo tuyến biên giới, Đại úy Nguyễn Hữu Hiệp, Phó đồn trưởng, Đồn Biên phòng Mường Pồn, một người con của quê hương Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội nói vui với chúng tôi: “Nếu huy động tất cả cán bộ, chiến sĩ của Đồn đứng mỗi người cách nhau 20 mét cũng không thể hết được chiều dài tuyến biên giới Đồn được giao quản . Tôi hỏi: Vậy làm sao để kiểm soát tất cả được đường mòn, lối mở. “Bật mí về bí quyết” quản lý đường biên, Thiếu tá Đặng Văn Toan, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Pồn cho biết: “Thực tiễn trong công cuộc dựng nước và giữ nước của cha ông ta đã chứng minh, một trong những yếu tố không thể thiếu để chiến thắng mọi kẻ thù chính là chiến lược Tận dân vi binh”, xây dựng mỗi người dân là một chiến sĩ và “Bách tính giai binh nghĩa là trăm họ đều là binh. Để bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, chúng tôi đã thực hiện tốt phương châm “3 bám, 4 cùng”, là bám địa bàn, bám dân, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” để tuyên truyền cho dân bản bằng thứ tiếng của đồng bào, thấu hiểu những khó khăn, vất vả của đồng bào để tích cực chăm lo, giúp đỡ nhân dân xóa đói giảm nghèo, xây “cột mốc lòng dân” trong bảo vệ biên giới”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Pồn hướng dẫn, giúp nhân dân phát triển mô hình trồng bưởi da xanh.
 

Được biết, công tác vận động quần chúng là một trong những biện pháp quan trọng được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm, chú trọng, coi đây là giải pháp cơ bản xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới. Trung tá Phạm Ngọc Tuyên, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thanh Luông cho biết: “Địa bàn Đồn quản lý gồm 3 xã Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Đây là những địa bàn còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao. Nên Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn xác định nhiệm vụ giúp dân ổn định đời sống, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Để nắm bắt được nhu cầu và nguyện vọng của người dân, đơn vị đã trích kinh phí, rồi quyên góp ủng hộ, cử cán bộ bám sát địa bàn, đánh giá thực trạng đời sống từng hộ dân, từ đó có những định hướng và giải pháp giúp đỡ phù hợp; đặc biệt là đồng hành cùng địa phương triển khai nhiều mô hình sản xuất thiết thực, vận động nhân dân thay đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Luông giúp dân xây nhà.
 

Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình trồng bưởi da xanh nhà ông Lò Văn Sơn, sinh năm 1958, ở bản Cò Chạy 2, xã Mường Pồn, Thượng úy Mùa A Phử, Đội trưởng đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Mường Pồn cho biết, gia đình ông Sơn rất khó khăn. Vợ bị suy thận nặng, 12 năm nay phải đi bệnh viện chạy thận nhân tạo. Con trai bị tai nạn lao động phải ngồi một chỗ, nên dù đất đai vườn tược gia đình rất rộng nhưng không có người làm, phải chạy ăn từng bữa. Khi hỏi về hiệu quả kinh tế trồng bưởi da xanh của gia đình, giọng ông Lò Văn Sơn nghẹn lại xúc động: “Tai họa liên tiếp giáng xuống gia đình tôi, vợ suy thận một tuần phải đi chạy 3 buổi, con trai thì bị tai nạn khi đang làm ở Hà Nội. May nhờ các chú bộ đội Đồn Biên phòng Mường Pồn giúp phạt cỏ, đào hố, hỗ trợ giống cây, hướng dẫn cách chăm sóc, nên gia đình tôi đã có thu nhập ổn định, kinh tế bớt khó khăn”. Còn đối với gia đình anh Lò Văn Hặc, bản Mé, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, với câu chuyện thoát nghèo, có tiền nuôi con ăn học như là một kỳ tích, bởi gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, không có vốn sản xuất, bản thân anh Hặc thường xuyên đau ốm. Nhưng nhờ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Luông hỗ trợ gia đình anh con giống và cử cán bộ trực tiếp theo dõi, giúp đỡ gia đình anh Hặc về kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng ngừa dịch bệnh, nên từ 30 con gà ban đầu đến nay đàn gà của gia đình anh Hặc đã tăng lên 100 con. Ngoài hỗ trợ con giống, cán bộ, chiến sĩ đơn vị còn tư vấn anh Hặc mượn thêm đất để trồng rau và đào giếng lấy nguồn nước tưới. Nhờ đó, diện tích rau của gia đình phát triển tốt, tạo thêm nguồn thu nhập, có tiền cho con cái ăn học.

Đại tá Lê Đức Nghĩa, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh Điện Biên cho biết, thực hiện phương châm “3 bám, 4 cùng”, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân khu vực biên giới chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng các loại cây, rau có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tham gia cùng chính quyền và bà con nhân dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo vành đai xanh biên giới.

 

Khám chữa bệnh, tư vấn cấp thuốc miễn phí cho nhân dân.
 

Giúp dân bài trừ nhiều hủ tục lạc hậu

Đi dọc theo các xã biên giới của tỉnh Điện Biên, mọi người đều có thể cảm nhận được sự thay đổi của bộ mặt nông thôn mới, những con đường liên thôn liên bản được thảm nhựa sạch sẽ phong quang, điện thắp sáng lung linh, những ngôi nhà mái bằng kiên cố, điểm trường ngói mới đỏ tươi đang dần thay thế cho những ngôi nhà tre nứa tạm bợ mọc lên san sát. Đời sống nhân dân có nhiều thay đổi, nhất là các phong tục, tập quán lạc hậu như tảo hôn, ma chay, cưới hỏi đã giảm bớt và đang dần được xóa bỏ, hình thành nếp sống văn hóa mới. Đem những gì “mắt thấy tai nghe” trao đổi với lãnh đạo, Chỉ huy Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh Điện Biên, chúng tôi được Đại tá Nhâm Văn Mạnh, nguyên Chủ nhiệm Chính trị, nay là Chính ủy Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh cho biết: “Đó là kết quả của cán bộ, chiến sĩ biên phòng luôn gần dân, hiểu dân và được dân ủng hộ, nên thời gian qua nhiều chương trình tiêu biểu, như: “Nâng bước em tới trường”; “Bò giống giúp người nghèo biên giới”; “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”; “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; “Hũ gạo chiến sĩ”… đã được cán bộ, chiến sĩ biên phòng tỉnh Điện Biên cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa. Cùng với thực hiện hiệu quả các mô hình trên, chúng tôi còn phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện thành công một số mô hình như: “Xóa bỏ kết hôn cận huyết thống”; “Xóa bỏ một số hủ tục trong tang lễ” đối với người dân tộc Khơ Mú, người Dao; bài trừ tập tục lạc hậu trong hôn nhân. Qua đó, đã làm thay đổi nhận thức của nhân dân về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp, bài trừ tập tục lạc hậu”.

Tham gia chữa cháy rừng.
 

Minh chứng sinh động trong thực hiện các “mô hình” mà đồng chí Chính ủy giới thiệu, đó là hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ biên phòng tỉnh đã không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, đóng góp 12.300 ngày công lao động giúp đỡ nhân dân khắc phục 200 vụ việc về thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cháy nổ, cháy rừng, làm sạch cảnh quan môi trường, tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, nâng cấp và sửa chữa hơn 500km đường thôn bản, kênh mương thủy lợi; giúp dân sửa chữa làm mới 366 căn nhà, 13 cây cầu; giúp 885 hộ gia đình xóa đói, giảm nghèo, tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công. Chỉ riêng năm 2023, các đồn, đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy biên phòng Điện Biên đã phối hợp với địa phương vận động 289 hộ gia đình có đám tang thực hiện xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh. Các hủ tục như không cho người chết vào áo quan, tục phơi nắng, chôn cất quá nông, tổ chức đám tang dài ngày gây lãng phí tiền của, thời gian; hay các hủ tục mê tín dị đoan khi ốm đau mời thầy cúng, thầy mo tổ chức các nghi lễ thay vì đến các trạm y tế đến nay đã cơ bản được xóa bỏ. Thượng úy Mùa A Phử, Đội trưởng đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Mường Pồn chia sẻ: “Những phong tục này có từ ngàn đời, ăn sâu bám rễ vào đời sống của bà con, nên muốn thay đổi, xóa bỏ không phải một sớm, một chiều. Vì vậy, ngoài công tác tuyên truyền, chúng tôi phải xuống tận bản vận động trưởng bản, rồi những cán bộ, đảng viên thực hiện trước, dần dần thấy đúng, bà con mới làm theo”. Cùng với xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, cán bộ, chiến sĩ biên phòng các đồn và đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh Điện Biên còn tuyên truyền, vận động và xây dựng được 188 bản văn hóa, với trên 18.100 hộ gia đình văn hóa ở khu vực biên giới. Nhờ đó đến nay, trên địa bàn biên giới của tỉnh đã có 6 xã đạt chuẩn và 8 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, 100% xã, 258/299 thôn, bản thuộc 29 xã có sóng điện thoại di động, 263/299 thôn, bản có nước sạch nông thôn. Bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả của mình, cán bộ, chiến sĩ biên phòng tỉnh Điện Biên đã góp phần tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ tỏa sáng trong lòng nhân dân.

Nguyễn Văn Tuân

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ